Một số vấn đề gây tranh cãi Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam

Một ông chủ nhiều đội bóng

Ngày 5 tháng 7 năm 2019, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã có bình luận về tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng ở V.League. Khi TP.HCM đang dẫn đầu bảng xếp hạng, nói về cơ hội vô địch của TP.HCM ở mùa giải này, bầu Đức phát biểu: “Tôi khẳng định luôn rằng TP.HCM không thể nào vô địch được V.League năm nay vì họ là một đội, làm sao đối đầu với 5 đội bóng. 5 thằng ốm đánh một thằng mập thì thằng mập làm sao mà chịu nổi"[42]. Phát biểu của bầu Đức gây liên tưởng tới ông Đỗ Quang Hiển - lúc đó đang là ông chủ, nhà tài trợ đặc biệt của 7 câu lạc bộ tại V.League 1 và V.League 2.[43] Trước đó vào năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức cũng cho rằng tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng sẽ làm giảm động lực đầu tư vào bóng đá Việt Nam.[44] Dư luận nhận định trong 10 năm từ 2009 đến 2019, chỉ hai năm vô địch liên tiếp 2018 và 2019 là CLB Hà Nội thể hiện sức mạnh rõ ràng, nhờ dàn tuyển thủ quốc gia có lúc lên tới 10 người; các chức vô địch còn lại đều có "dấu ấn" của các mối quan hệ điểm số giữa Hà Nội – Đà Nẵng – Quảng Nam - Sài Gòn (là các CLB của bầu Hiển).[45][46] Mùa giải 2022 cũng gặp điều tiếng khi có luồng dư luận cho rằng, chức vô địch V.League 2022 của CLB Hà Nội cũng có phần từ những phán quyết của trọng tài có lợi cho đội bóng áo tím.[47] Bên cạnh đó, bầu Hiển cũng gây ra nhiều tranh cãi khi đích thân xuống động viên, tặng tiền các đội bóng của mình trong những trận đấu giữa các đội có liên quan đến bầu Hiển với nhau, như với Sài Gòn, Quảng Nam[42], hay SHB Đà Nẵng.[48][49][50]

Từ lâu, thực trạng "một ông chủ nhiều đội bóng" đã gây nhức nhối cho nhiều đội bóng tại V.League. Năm 2012, sau khi Sài Gòn Xuân Thành không thể lên ngôi vương khi bị Hà Nội T&T cầm chân ở vòng đấu cuối cùng để SHB Đà Nẵng vô địch, ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã tuyên bố sẽ bỏ bóng đá vì có quá nhiều bất công và chèn ép; đến mùa 2013 thì chính thức giải thể đội bóng. Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết sau khi ngừng tài trợ Thanh Hóa năm 2018 cũng từng ám chỉ rằng “không thể vô địch khi chỉ có 1 đội bóng”[42].

Cổ động viên Sông Lam Nghệ An phản đối tình trạng một ông bầu nhiều đội bóng

Việc một ông chủ quản lý hay sở hữu nhiều đội bóng trở thành 1 vấn nạn khiến không ít người hâm mộ lo lắng, đặc biệt về tính minh bạch, sòng phẳng khi các đội bóng này cùng thi đấu trong một giải đấu. Không ít người hâm mộ mong muốn VPF cần có những biện pháp mạnh tay, quy định cụ thể về việc cấm một người nắm giữ chức vụ quản lý hay cổ phiếu, vốn góp tại nhiều hơn 1 đội bóng ở cùng 1 giải đấu để cho V.League trở nên công bằng, trong sạch hơn và cải thiện tính cạnh tranh của giải đấu.[51]

Dàn xếp tỷ số

Trong nhiều năm trở lại, hiện tượng "xin điểm và cho điểm" đã trở thành vấn đề gây đau đầu với các nhà tổ chức, khi giải đấu được cho là đã xuất hiện một số liên minh giữa các đội bóng với nhau. Tình trạng "dồn điểm" để một câu lạc bộ vô địch hoặc trụ hạng thường xuyên xảy ra ở V.League, trong đó công thức "3 đi – 3 về" trở nên phổ biến để các đội trong một liên minh tối đa hóa điểm số cho nhau. Ngoài dồn điểm, các đội trong liên minh còn dồn sức để cản đối thủ của ứng cử viên vô địch thuộc liên minh của mình.[52] Nhiều trận đấu diễn ra với những biểu hiện bất thường đã gây bức xúc cho các cổ động viên bởi tinh thần thi đấu được cho là bạc nhược, không hết mình của cầu thủ[53]. Ban tổ chức giải đấu cũng nhiều lần đưa ra các biện pháp xử phạt, như trừ điểm các đội bóng trong những trận đấu thiếu tích cực, nhưng tình trạng "cho nhường điểm" vẫn tiếp diễn.[54]

Báo Công an nhân dân nhận định vấn nạn dàn xếp tỷ số được cho cũng có liên quan đến vấn đề "một ông chủ nhiều đội bóng". Năm 2017, dư luận đặt ra nhiều hoài nghi khi CLB Hà Nội đang tràn trề hi vọng vô địch bất ngờ để Than Quảng Ninh cầm hòa 4-4 trong trận đấu mà đội bóng Thủ đô đã dẫn trước 2 bàn. Đáng nói, tỉ số ấy vừa đủ để Quảng Nam lần đầu tiên lên ngôi vương.[55] Thống kê mùa 2019 cho thấy CLB TP.HCM chỉ giành được 23% điểm từ các đội Đà Nẵng, Sài Gòn, Quảng NamQuảng Ninh, trong khi Hà Nội nhận được 13 trong 15 điểm tối đa trước các đội này. Mùa 2017, FLC Thanh Hóa mất 22 điểm trước nhóm "anh em" trong khi Quảng Nam mất 9 điểm.[52]

Để theo dõi và kiểm soát các trận đấu bị nghi ngờ, VPF đã từng hợp tác Sportradar - công ty chuyên kiểm soát cá cược bóng đá, và sau đó là công ty Genius Sports (có trụ sở chính tại Singapore và mạng lưới trên toàn cầu) kể từ mùa giải 2019.[56] VPF trong một thông báo ở mùa giải 2022 đã phải đề nghị các đội bóng thi đấu hết mình, không nhường điểm cho nhau.[57][58]

Vấn đề trọng tài

Vấn đề trọng tài mắc sai lầm ở giải đã diễn ra trong nhiều năm và gây nhiều bức xúc trong dư luận. Một số trọng tài không đủ thể lực và trình độ chuyên môn tham gia điều hành trận đấu, làm sai lệch kết quả một số trận đấu, cũng như có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả toàn giải..[59] Một trong những giải pháp tạm thời được đưa ra là thuê trọng tài nước ngoài điều khiền một số trận đấu của giải.[60]

Do công tác trọng tài liên tục xảy ra những sai sót ở nhiều vòng đấu liên tiếp, gây ảnh hưởng đến kết quả của các trận đấu nên việc trang bị VAR cho V.League trở thành đòi hỏi ngày càng bức thiết để nâng cao chất lượng giải đấu.[61][62] Từ cuối năm 2022, VPF đã bắt đầu tiến hành những thủ tục cần thiết để sớm áp dụng VAR tại V.League. VPF kỳ vọng VAR sẽ bắt đầu được triển khai thí điểm ngay từ giai đoạn 2 của mùa giải 2023, trước khi được áp dụng chính thức từ mùa giải 2023-2024.[63][64]

Xung đột lợi ích liên quan đến nhà tài trợ

Trước thềm mùa giải 2023, khi VPF có thông báo tới HAGL về việc nhà tài trợ mới của đội bóng này (tập đoàn Carabao) xung đột quyền lợi với nhà tài trợ chính của giải đấu và yêu cầu đội bóng phố Núi không được sử dụng các hình ảnh của nhà tài trợ mới trong phạm vi giải đấu, tranh cãi đã xảy ra.[65] VPF cho biết nếu HAGL vẫn còn hợp đồng với nhãn hàng cũ thì vẫn được thực hiện, nhưng với nhãn hàng mới ký sau hợp đồng của VPF với Night Wolf thì vi phạm. Tuy nhiên, quy định của VPF cũng bị nhiều cổ động viên phản ứng dữ dội khi bị cho là gây khó dễ cho các CLB, làm cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam.[66] Phía HAGL lập luận rằng hợp đồng giữa họ với Carabao được ký trước ngày VPF ban hành điều lệ mùa giải 2023, bên cạnh đó họ tiếp tục khai thác thương hiệu nước tăng lực đã có từ năm 2021 (khi còn hợp đồng với nhà tài trợ cũ) nên không thể nói là HAGL đã vi phạm. HAGL cho rằng quyết định của VPF là "hoàn toàn vô lý và không tạo điều kiện cho CLB phát triển", và họ sẽ ngừng tham gia V.League nếu VPF không cho họ quảng cáo cho nhà tài trợ mới.[67]

Sáng 7/2/2023, Toà án Nhân dân quận Nam Từ Liêm đã tiếp nhận đơn của CLB HAGL kiện Công ty VPF độc quyền tài trợ V-League. Đơn ký hôm 4/2, nhưng vì vướng ngày nghỉ cuối tuần, nên 07/02 đại diện CLB mới mang đến toà nộp.[68]

Bản quyền truyền hình

Bản quyền truyền hình cũng là một trong những vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm ở giải đấu cấp câu lạc bộ hàng đầu Việt Nam. Lần đầu tiên V.League “bán” được bản quyền truyền hình là ở mùa giải 2005.[69] Tuy nhiên, giá trị hợp đồng được ký giữa VFF và đài truyền hình ở thời điểm đó không thực sự đáng kể.[70] Để một trận đấu được phát sóng trực tiếp, VFF và các CLB phải trả một khoản tiền và lo cả chi phí lưu trú, di chuyển, bồi dưỡng cho nhà đài.[71]

Năm 2011, bản quyền phát sóng V.League được VFF quyết định bán cho Truyền hình An Viên (AVG) trong thời gian 20 năm với giá 6 tỷ đồng cho năm đầu tiên và sau đó mỗi năm tăng lũy tiến 10%. Thế nhưng, sau khi VPF thành lập, công ty này đã lấy lại hợp đồng bản quyền truyền hình V.League từ tay AVG và cam kết khai thác tối thiểu 50 tỉ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình. Mặc dù vậy, thương vụ đã đổ bể phút chót sau khi bầu Kiên bị bắt.[72]

Nhờ thỏa thuận giữa VPF với các đài truyền hình, hầu hết các trận đấu của V.League đều được phát sóng trực tiếp và kể từ mùa giải 2017 thì con số này là 100%, nhưng các đài truyền hình gần như không bán được quảng cáo khi phát trực tiếp V.League, dù là trước trận hay giữa trận, nên thu nhập từ bản quyền truyền hình vẫn là con số vô cùng khiêm tốn. Việc bán bản quyền truyền hình V.League hiện tại vẫn đơn thuần là trao đổi bằng thời lượng quảng cáo - chủ yếu cho các nhà tài trợ của giải - nhằm thắt chặt mối quan hệ. Một số ít cũng đến từ các doanh nghiệp khác nhưng kinh phí thu được cũng rất nhỏ nhoi.

Năm 2017, Công ty cổ phần Giải pháp Truyền hình Thế hệ mới (Next Media) ký hợp đồng với VPF để sở hữu toàn bộ bản quyền truyền hình của 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất, Cúp QG) trong 4 năm, từ 2017 đến 2021.[73][72][74] Theo đó, mỗi năm VPF sẽ thu được 2 tỷ đồng tiền mặt từ Next Media cộng với khoản tiền thu được từ việc quảng cáo trên truyền hình, ước tính lên đến 65,5 tỉ đồng.[75] Tuy nhiên, ngay trước khi mùa giải 2018 khởi tranh, tranh chấp bản quyền truyền hình một lần nữa nổ ra khi VPF tuyên bố hủy hợp đồng của lãnh đạo nhiệm kỳ trước ký với Next Media (có thời hạn đến năm 2022). Theo lý giải của VPF, Next Media đã không thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã cam kết, trong đó có việc không cung cấp chính xác số liệu hạch toán, chia lợi nhuận từ việc khai thác bản quyền truyền hình V.League 2017.[76] Hơn nữa, trong quá trình rà soát lại các hợp đồng mới, hội đồng quản trị mới của VPF đã phát hiện có sự bất cập về mặt thời gian trong hợp đồng mà hội đồng quản trị cũ đã ký với đối tác này.[77] Tranh chấp có lúc lên đến đỉnh điểm khi cả hai khẳng định sẵn sàng đưa ra toà để giải quyết; các đài truyền hình cũng tuyên bố chỉ sản xuất và phát sóng V.League khi nào VPF và Next Media giải quyết xong vụ tranh chấp bản quyền.[78] Cuối cùng, sau một thời gian đàm phán, VPF và Next Media đã đi đến thống nhất thanh lý hợp đồng cũ và ký bản hợp đồng mới phù hợp hơn.

Vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi khi VPF có cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, việc chia tỷ lệ bản quyền thiếu minh bạch và không công bằng với các CLB. Tỷ lệ chia tiền bản quyền truyền hình hoàn toàn do VPF áp đặt mà không tham khảo ý kiến các CLB dẫn đến việc CLB không thể thu lợi tối đa từ tiền bản quyền giải đấu.[79]

Vào tháng 10 năm 2022, VPF đã đạt được thỏa thuận bản quyền truyền hình từ 2023 đến 2027 với FPT.[80] Thỏa thuận này đảm bảo việc mỗi năm FPT sẽ trả 2,5 triệu USD cho một mùa giải, gấp 20 lần hợp đồng trước đó và trung bình mỗi CLB sẽ nhận vài tỉ đồng tiền bản quyền truyền hình trong 1 mùa giải.[81]

Bạo lực sân cỏ

Vấn nạn bạo lực ở V.League không phải là mới khi các cầu thủ thi đấu quyết liệt trên mức cần thiết. Tuy nhiên các nhà tổ chức vẫn chưa có giải pháp triệt để cho vấn đề này. Một số pha phạm lỗi đã khiến cầu thủ bị chấn thương nặng, thậm chí dẫn đến từ giã sự nghiệp.[82]

Công bằng và minh bạch tài chính

Vấn đề công bằng và minh bạch tài chính chưa bao giờ được thực hiện một cách nghiêm túc ở V.League. Trong đó, VPF và các câu lạc bộ chưa bao giờ công khai báo cáo tài chính cho công chúng mà chỉ thực hiện trong nội bộ.[83] Việc một số nhà tài trợ của giải có liên quan đến ông bầu hoặc một câu lạc bộ đã làm dấy lên nghi ngờ về tính công bằng của giải đấu. Đồng thời, việc không có minh bạch tài chính dẫn tới việc không thể làm rõ quan hệ giữa những đội bóng được cho là "anh em một nhà".[84] Đòi hỏi về minh bạch tài chính từ nhiều câu lạc bộ đối với VPF vẫn chưa được thực hiện, điều đó cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của giải đấu.[85] Việc chưa có cơ chế về công bằng và minh bạch tài chính đã khiến cho tình trạng các câu lạc bộ "cướp quân" của nhau diễn ra phức tạp. Ngân sách giữa các đội bóng có sự chênh lệch lớn và thiếu minh bạch trong quản lý tài chính dẫn đến gia tăng nguy cơ các câu lạc bộ "đi đêm" với cầu thủ.[86]

Một số câu lạc bộ không thỏa mãn các tiêu chí cấp phép từ AFC

Từ năm 2012, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) yêu cầu các liên đoàn bóng đá thành viên, trong đó có VFF, mỗi năm phải thực hiện việc rà soát các câu lạc bộ trong nước (cụ thể là V.League) và các CLB này phải đáp ứng 5 tiêu chí của AFC mới được VFF cấp phép thi đấu ở mùa giải kế tiếp và được tham dự các giải đấu do AFC tổ chức, gồm: tiêu chí thể thao, cơ sở vật chất, tổ chức - nhân sự, pháp lý và tài chính. Mặc dù một số đội của Việt Nam không đạt đủ các tiêu chí nhưng vẫn được AFC đồng ý cho đấu giải trong nước.[87]

Nhưng từ năm 2018, AFC đã tỏ ra cứng rắn hơn, chỉ cần không đáp ứng được 1 trong 5 tiêu chí nói trên thì dù CLB đó có đoạt chức vô địch giải quốc nội cũng không được phép dự các giải CLB ở đấu trường châu Á do AFC tổ chức. Tại mùa giải 2019, vì không cử đội tham dự giải U-15 quốc gia, CLB Hà Nội đã không đạt tiêu chí thể thao nên không thể tham dự Vòng loại AFC Champions League lẫn AFC Cup 2020 dù là đương kim vô địch cả V.League và Cúp Quốc gia.

Tới mùa giải 2022, 11/13 đội bóng tham dự giải đã đạt chuẩn của AFC, trừ Topenland Bình Định (nhân lực hành chính) và Sông Lam Nghệ An (sân vận động và cơ sở lưu trú của các cầu thủ trẻ).

Vì nhiều lý do khác nhau, AFC đã quyết định đặc cách cho CLB Hải Phòng dự các cúp châu Á trong năm 2023, dù ban đầu CLB này không đủ điều kiện dự các giải đấu châu lục của AFC do thiếu đội trẻ.[88]

Cải tổ VPF

Sau khi mùa giải 2021 khép lại, một loạt các CLB gồm Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương, Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Nam Định, Quảng Nam đã có yêu cầu cải tổ VPF và thay đổi lãnh đạo cấp cao vì lãnh đạo hiện tại không đủ năng lực, nhằm mục đích tăng cường dân chủ trong quan hệ giữa VPF và các CLB, nhất là liên quan đến bản quyền và việc xin ý kiến của CLB trước khi ra quyết định.[89]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam http://www.vnleague.com/cup-quoc-gia/ http://www.vnleague.com/hang-nhat/ http://www.vnleague.com/vdqg-vleague/thong-bao/186... http://www.vnleague.com/vpf/cong-van/443-Cong-van-... http://www.vnleague.com/vpf/doi-tac/ http://www.aseanfootball.org http://bongdaplus.vn/Viet-Nam/Thong-bao-Doi-ten-Su... http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202009/lai-no... http://www.baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDe... http://www.saigon-gpdaily.com.vn/Sport/2011/9/9695...